TP.HCM:Nước thải ô nhiễm - Đến chân vẫn chưa
Trang 1 trong tổng số 1 trang
TP.HCM:Nước thải ô nhiễm - Đến chân vẫn chưa
Mỗi ngày TPHCM tiếp nhận gần 200.000m3 nước thải công nghiệp, 17.000m3 nước thải y tế. Tuy nhiên, chỉ gần 40% số đó được xử lý. Đã vậy, chất lượng xử lý nước thải (XLNT) tại các doanh nghiệp, bệnh viện, trung tâm y tế (BV, TTYT) chưa đạt tiêu chuẩn yêu cầu.
KCX-KCN... chây ì
Nhà máy xử lý nước thải trung tâm ở KCX Tân Thuận vận hành với công suất 10.000 m3/ngày đêm, bảo đảm vệ sinh môi trường sản xuất. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý môi trường Sở TN-MT TPHCM, bức xúc, hiện vẫn còn 9/15 KCX-KCN chưa có hệ thống XLNT.
Trước đó UBND TP đã ban hành 2 văn bản yêu cầu các đơn vị chậm nhất là tháng 12-2006 phải khởi công xây dựng hệ thống XLNT nhưng các đơn vị cứ viện nhiều lý do không thực hiện.
Đại diện KCN Bình Chiểu cho biết, vừa làm xong hệ thống cống và mới lập dự án đầu tư hệ thống XLNT, nên nhanh nhất phải đến tháng 7-2007 mới có thể vận hành.
KCN Tân Phú Trung chưa có hệ thống XLNT, nhưng từ chối báo cáo nguyên nhân. Khu công nghệ cao TPHCM chỉ có thể khởi công một số hạng mục, nhưng chưa xác định cụ thể hạng mục nào. KCN Tân Thới, Phong Phú không khởi công kịp trong năm 2006.
Bệnh viện - 1.001 lý do
Ông Trần Nguyên Hiền cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có đến 109 BV, TTYT đang hoạt động nhưng có đến 60 trường hợp không đạt yêu cầu. Trong đó, 31 trường hợp chưa có hệ thống XLNT, 10 trường hợp khác đã có hệ thống XLNT nhưng chưa xử lý hết khối lượng nước thải phát sinh, 16 trường hợp có vận hành nhưng không đạt yêu cầu.
Điều đáng nói là những trường hợp trên chủ yếu rơi vào những BV có quy mô lớn như BV Chợ Rẫy, Bưu điện 2, 30-4, Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng, Răng Hàm Mặt trung ương, Thống Nhất, Đại học Y Dược, An Bình, Bình Dân…
Loại nước thải của các đơn vị này chủ yếu phát sinh từ khu vực giải phẫu, xét nghiệm, khám, chữa bệnh và một phần từ hoạt động giặt tẩy, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Nước thải này có nồng độ ô nhiễm về hữu cơ và vi sinh rất nặng - có hàm lượng gấp 100 - 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép. BV Chợ Rẫy cho rằng, đơn vị đã nhiều lần đề xuất với Bộ Y tế phê duyệt đề án xây dựng hệ thống XLNT, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua. BV An Bình đã được Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng công trình Sở Y tế TPHCM đầu tư xây dựng hệ thống XLNT năm 2000, nhưng chỉ đi vào hoạt động được 2 năm thì hư hỏng hoàn toàn.
Một số đơn vị không ngừng mở rộng quy mô khám chữa bệnh nhưng lại quên nâng cấp công suất hoạt động, xử lý của HTXLNT cho phù hợp…
Không lặp lại điệp khúc... gia hạn
Thành phố chưa có nhiều nhà máy có hệ thống xử lý nước thải như ở Công ty Vissan. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Ông Trần Nguyên Hiền, cho biết, với những đơn vị lấy lý do thiếu vốn đầu tư, phải đợi vay được vốn thì Sở TN-MT sẽ chỉ định những đơn vị có khả năng đầu tư trước, sau đó KCN sẽ có trách nhiệm hoàn trả sau.
Những đơn vị cố tình kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2007, Sở TN-MT sẽ có công văn đề nghị UBND TP xem xét trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo công ty chủ quản.
Ban quản lý KCX-KCX sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị chưa đầu tư hệ thống XLNT và giới hạn, thậm chí không cho phép các đơn vị này được tiếp nhận các dự án đầu tư mới.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở TN-MT TPHCM, nhấn mạnh, sở sẽ phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra nhằm tăng cường xử phạt những BV, TTYT cố tình không vận hành hoặc không đầu tư hệ thống XLNT.
Trên thực tế, sở đã phạt 18 trường hợp với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Đến năm 2007, đoàn thanh tra sẽ xiết chặt công tác kiểm tra thường xuyên và sẽ buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục hậu quả đối với những BV, TTYT nào chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải.
Trường hợp sau thời gian tạm ngưng mà đơn vị vẫn chưa chấp hành thì sẽ kiến nghị Bộ Y tế thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của các cơ sở y tế đó. Nhất định không để các đơn vị cứ lặp lại mãi điệp khúc… gia hạn.
Sài Gòn Giải phóng, 28/12/2006
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết